Nhật Bản : Điều gì đã làm nên kỳ tích ?
Nhật Bản có diện tích
379.954 km², dân số 128 triệu người, trong đó thủ đô Tokyo và một
vài tỉnh xung quanh có 30 triệu người sinh sống.
Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên
nhiên, các khoáng sản như quặng sắt, đồng đỏ, kẽm, chì, bạc và các tài
nguyên năng lượng quan trọng như dầu mỏ, than đều phải nhập khẩu. Địa
hình và khí hậu Nhật Bản khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, và
vì quốc gia này chỉ trồng cấy được một số cây trồng như lúa gạo, nên
khoảng một nửa số lương thực phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Mỗi năm Nhật Bản phải chịu khoảng 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận.
Vị trị địa lý của Nhật Bản khiến nước
này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều thiên tai nhất thế giới.
Hai mối đe dọa nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. Mỗi năm Nhật
Bản phải chịu khoảng 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150
trận, tuy nhiên Nhật Bản được đánh giá là một cường quốc kinh tế. Kinh
tế Nhật Bản đứng thứ ba trên toàn cầu tính theo tổng sản phẩm nội
địa cũng như thứ ba theo sức mua hàng hóa (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) và
là đất nước đứng thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực đầu tư cho quốc
phòng; đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu và đứng thứ 6 thế giới về nhập
khẩu.
Điều gì giúp cho người Nhật Bản đạt được những thành tựu như vậy, có thể kể đến một số đặc điểm tiêu biểu như sau:
1. Sự kiên nhẫn của người dân Nhật
Khả năng chịu đựng giỏi, sự nhẫn nại,
kiên trì của người Nhật cũng có nguồn gốc hình thành từ điều kiện tự
nhiên khắc nghiệt. Đức tính này đã được tôi luyện qua hàng trăm năm nước
Nhật được điều hành bởi tầng lớp võ sĩ samurai, và vẫn được gìn giữ đến
ngày nay trong xã hội công nghiệp hiện đại đòi hỏi khắt khe khả năng
làm việc và cống hiến của mỗi con người.
Cả thế giới đã chứng kiến sự kiên nhẫn
của người Nhật trong thảm họa ngày 11-3-2011, khi nước Nhật liên tiếp
hứng chịu ba thảm họa kinh hoàng: trận động đất lớn hy hữu với cường độ
9,1 độ richter, sóng thần cao hơn 10 mét khiến gần 3 vạn người chết và
mất tích, và ngay sau đó là thảm họa rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện
hạt nhân Fukushima I đe dọa hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong vòng
bán kính 30km.
Trong những ngày nước Nhật tan hoang,
bối cảnh giao thông khó khăn, mất điện, không có nước sinh hoạt nhưng
dân chúng vẫn kiên nhẫn xếp hàng nhận nước, lên xe buýt hoặc chờ gọi
điện thoại công cộng. Dù xếp hàng có lâu và dài đến mấy, cũng không ai
chen lấn hay xô đẩy, giành giật nhau, tất cả đều im lặng và nhẫn nại.
Nhưng những hàng người lặng lẽ xếp hàng ấy, không ai có ý định chen hàng
và nài xin thêm khẩu phần được phát, mỗi người nhẫn nại chờ đến lượt
của mình và chỉ lấy duy nhất một phần đồ ăn và nước uống. Tất cả người
dân đoàn kết thành một khối kiên nhẫn, chịu đựng khó khăn.
Chính vì vậy, mặc dù trải qua nhiều loại
thảm họa, người Nhật trong cuộc dường như lại chính là người có thái độ
bình tĩnh hơn người ngoài cuộc. Với những hình ảnh về sự kiên nhẫn của
người Nhật được các phương tiện truyền thông đưa tin, có lẽ chúng ta cần
học thực sự nghiêm túc học chữ “nhẫn” để có được những hành động, ứng
xử điềm tĩnh và đầy ý thức để ứng biến trong bất kì hoàn cảnh nào như
đất nước Nhật đã trải qua.
2. Tinh thần tập thể của người Nhật
Người Nhật từ xa xưa đã có tinh thần
đoàn kết, làm việc theo nhóm, và tinh thần này lại được bồi đắp bởi sự
tồn tại của kiểu gia đình với cuộc sống chung, lao động chung của vài
thế hệ. Ý thức về “nhóm” ở người Nhật vô cùng mạnh mẽ và cũng được xem
là khá khác biệt so với các dân tộc khác. Ở Nhật Bản, mỗi người đều
thuộc “nhóm” của mình, nhóm nhỏ là gia đình, lớn hơn một chút là họ
hàng, bạn bè thân hữu, đồng nghiệp trong công ty… cứ thế, cho đến “nhóm”
lớn nhất chính là dân tộc Nhật Bản, đối lập với người bên ngoài
(gaijin), nước ngoài (gaikoku). Người Nhật thích phân chia xã hội ra
thành “người mình” (người trong nhóm – uchi) và “người lạ” (người ngoài
nhóm -soto) và đối xử theo mức độ tương xứng.
Mỗi một người Nhật cảm thấy mình là một
phần của một nhóm người nào đó – của gia đình, hay của công ty nơi họ
làm việc. Họ suy nghĩ và hành động cùng nhau, họ được giáo dục tuân theo
lợi ích của tập thể và cư xử phù hợp với vị trí của mình trong tập thể.
Trong trận thảm họa vừa qua, khi một người nước ngoài hỏi một người
Nhật “Tại sao ở Nhật hầu như không có trộm cắp vào những lúc như thế này?”, người Nhật đó đã trả lời rằng:
“Nếu tôi lấy đi một chai nước để thỏa cơn khát, hay lấy trộm tiền để mong có cuộc sống sung túc hơn thì tôi cũng không thể cảm thấy hạnh phúc khi những người xung quanh tôi đang gặp khó khăn”, “tôi không thể có hạnh phúc một mình được”…
Thực tế đã cho thấy trong tình trạng
thiếu lương thực và nước nghiêm trọng, các cửa hàng không hề có trục
lợi, hàng hóa trên toàn nước Nhật không tăng giá. Thậm chí, trong các
cửa hàng, hàng hóa đổ ngổn ngang nhưng không hề có kẻ trộm đồ hay hôi
của, mà ngược lại, nhiều người mua hàng đã giúp sắp xếp lại đồ đạc lên
giá, và để lại tiền mua hàng tại quầy bán không người thu tiền. Một số
chủ quầy bán nước tự động đã phát miễn phí các chai nước uống, mọi người
giúp đỡ nhau để cùng tồn tại.
Tinh thần tập thể, không mưu cầu hạnh
phúc “cá nhân” và tấm lòng biết sẻ chia đã làm nên điều kỳ diệu khiến
nước Nhật đã nhanh chóng khắc phục và đứng lên sau thảm họa.
(Mời xem tiếp trang 2)
3. Tính kỷ luật, trật tự theo chiều dọc của người Nhật
Tính cách dân tộc và văn hóa ứng xử của
người Nhật thể hiện rõ nét trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của
xã hội Nhật Bản. Xã hội phong kiến Nhật Bản trước đây với đặc trưng là
kiểu gia đình phụ hệ với mối quan hệ cha-con làm trung tâm, trong đó con
phải kính trọng và phục tùng tuyệt đối cha.
Tinh thần này sau đó được kết hợp với tư
tưởng đạo đức Khổng giáo được du nhập vào Nhật Bản thế kỷ IV, nhấn mạnh
việc tôn trọng thứ bậc trong xây dựng trật tự xã hội. Trong 5 đức tính
mà Khổng giáo đề cao là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, người Nhật Bản
đặc biệt coi trọng chữ “lễ”. Người Nhật luôn hành xử sao cho đúng lễ
nghĩa, “lễ”, “nghĩa” còn được biểu hiện trong ngôn ngữ Nhật với nhiều từ
vựng phức tạp. Ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy những ảnh hưởng chủ
yếu của đạo đức Khổng giáo còn lại trong xã hội Nhật Bản được biểu hiện ở
việc thờ cùng tổ tiên, tôn kính cha mẹ, người dưới tuyệt đối phục tùng
người trên và việc tích cực giữ gìn trật tự xã hội.
5 đức tính mà Khổng giáo đề cao là Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, người Nhật Bản đặc biệt coi trọng chữ “lễ”.
Bên cạnh đó, nước Nhật cũng nổi tiếng
với tầng lớp võ sĩ đạo Samurai, tầng lớp này có ảnh hưởng vô cùng mạnh
mẽ đến sự hình thành các giá trị đạo đức và lối sống của người Nhật Bản
sau này. Theo lịch sử vào giai đoạn từ năm 1192 đến 1333, tầng lớp võ sĩ
samurai được hình thành, lối sống kỷ luật và trọng danh dự của tầng lớp
quân nhân samurai được rèn luyện trong hàng trăm năm nội chiến kéo dài
từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI.
Trong thời kỳ này, những bản anh hùng ca
về lòng trung thành, quả cảm, trọng danh dự và đức hy sinh cao cả của
người võ sĩ samurai đã dần trở thành phẩm chất đạo đức được xã hội tôn
kính và noi theo. Rốt cuộc, đó chính là cái tinh thần quan trọng nhất –
tinh thần “võ sĩ đạo” mà tầng lớp samurai để lại cho hậu thế. Tinh thần
xả thân vì bề trên và tính kỷ luật đã được nâng lên thành đạo đức dân
tộc sau này. Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, lòng trung thành, kính
trọng bậc bề trên tiếp tục là chuẩn tắc ứng xử trong các hãng, còn tính
kỷ luật thì đã trở thành một thói quen trong xã hội.
Đặc điểm này của người Nhật khiến cả thế
giới ngưỡng mộ khi chứng kiến sự hy sinh quên mình, trung thành với bậc
bề trên là những chuẩn tắc đạo đức từ thời các võ sĩ samurai, vừa qua
đã được phát huy khi sự cố hạt nhân xảy ra. Báo chí đã đưa tin rất nhiều
về đội ngũ gồm 50 chuyên gia và công nhân đã bất chấp tính mạng, sức
khỏe của họ, ngày đêm làm việc tại hiện trường sự cố ở nhà máy Fukushima
I để cứu tính mạng của nhiều người dân khi xảy ra sự cố rò rỉ ở nhà máy
điện hạt nhân Fukushima I và II xảy ra. Họ vẫn làm việc miệt mài với nỗ
lực làm mát lò phản ứng.
Phần lớn họ đều là cư dân tại các địa phương hứng chịu thiệt hại, nhiều người trong số họ đã biết chắc người thân và nhà cửa bị sóng cuốn trôi hay vùi lấp trong đống đổ nát, nhưng họ không vì thế mà bỏ vị trí, vẫn kiên trì bám trụ trong khu vực khẩn cấp của nhà máy.
Với những đặc điểm quý giá này, người
dân Nhật đã thực sự khiến thế giới khâm phục vì sự kiên nhẫn, tinh thần
đoàn kết và nỗ lực vượt khó khăn để xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng
như ngày hôm nay dù luôn ở trong tình trạng phải đối mặt với các thảm
họa từ thiên nhiên.
Vào ngày 19/12/2014, Bộ Tài chính Nhật
Bản cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật đạt 833 tỷ yên trong
tháng 10/2014, nhờ đồng yên yếu và giá dầu giảm. Trong khi đó, giá trị
tài sản của các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục vào cuối
tháng 9/2014 lên tới 1,6 triệu tỷ yên, tương đương gần 14 nghìn tỷ USD,
tăng 2,7 % so với một năm trước đó, và cao nhất kể từ khi dữ liệu được
thu thập vào năm 1997. Bên cạnh đó, giá trị tài sản từ cổ phiếu đạt
ngưỡng 1,3 nghìn tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản đã điều chỉnh tăng doanh thu
thuế trong năm tài chính 2014 (kết thúc vào tháng 3/2015) lên 51,7
nghìn tỷ yên, (tương đương với 440 tỷ USD), cao hơn so với năm 2013 là
1,7 nghìn tỷ yên (tương đương khoảng 14,5 tỷ USD).
Tăng trưởng GDP thực tế trong năm tài
chính 2015 được dự báo ở mức 1,5% và ở mức 2,7% đối với GDP danh nghĩa.
Nếu tốc độ tăng trưởng GDP 2015 đúng như dự báo này thì GDP danh nghĩa
của Nhật Bản trong năm tài khóa 2015 sẽ đạt giá trị 504,9 nghìn tỷ yên,
vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ yên lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài
chính 2008. Chỉ số giá tiêu dùng dự kiến sẽ tăng 1,4 % trong năm tài
chính 2015, thấp hơn so với mức tăng 3,2 % trong năm tài chính 2014.
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và
tài nguyên thiên nhiên hạn chế, con người Nhật Bản thật sự đã làm nên
những điều kỳ diệu chỉ thông qua những phẩm chất đạo đức tốt.
Nhật Hạ tổng hợp
No comments:
Post a Comment